Lo khối ngoại thâu tóm thị phần sơn – mực in

Đánh giá về năng lực cạnh tranh của sản phẩm sơn – mực in trên thị trường Việt Nam hiện nay, chuyên gia Vũ Thị Hương, Trung tâm ứng phó sự cố và an toàn hóa chất thuộc Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), cho biết yếu tố bất lợi là ngành này đang phải nhập khẩu đến 70% nguyên liệu và nhập hơn 85% máy móc, thiết bị.

Phụ thuộc nguyên liệu nhập

   “Trong khi đó, chi phí nguyên liệu lại chiếm 60 – 70% giá thành sản phẩm. Cho nên khi có biến động tỷ giá hối đoái, giá xăng dầu thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN)”, bà Hương chỉ rõ.

Từ thực tế là không chủ động được nguyên liệu đầu vào, cũng như thiếu sự liên kết hợp tác nên việc cạnh tranh của các DN nội trong ngành sơn – mực in là rất nan giải.

Chia sẻ với giới DN trong ngành này ở Tp.HCM vào cuối tuần qua tại buổi họp báo giới thiệu Triển lãm và Hội thảo quốc tế ngành công nghiệp sơn phủ và mực in – (Coatings Expo Vietnam 2020), bà Hương cho rằng nhân tố trong nước của ngành sơn – mực in đang chịu sức ép cạnh tranh gay gắt hơn trên cả 3 cấp độ: sản phẩm, DN và quốc gia.

Theo đánh giá, về khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong ngành sơn – mực in, Việt Nam vẫn là quốc gia hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại và dẫn đầu về độ hấp dẫn vốn ngoại trong ngành này tại khu vực ASEAN.

Trong những năm tới, Việt Nam vẫn còn khả năng thu hút vốn FDI ở các lĩnh vực sơn bảo vệ cao cấp, sơn xe hơi, các loại sơn đặc chủng, các loại mực in cao cấp kỹ thuật số, sơn nguyên liệu nhựa cao cấp, nguyên liệu bột độn cao cấp như canxi cacbonat, cao lanh, bột màu oxit sắt, dung môi các loại…

Các dự báo cho thấy sản lượng trên thị trường sơn Việt Nam trong năm 2020 sẽ vào khoảng 570 triệu lít với mức tăng trưởng bình quân 7%/ năm; đến năm 2030 là 1.200 triệu lít, tăng trưởng 7,4%/năm. Với mực in, sản lượng vào năm 2020 sẽ là 50.000 triệu lít, tăng trưởng 10%/năm; đến năm 2030 là 100.000 triệu lít, tăng trưởng 7%/năm.

Tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 600 DN sản xuất và kinh doanh sơn, trong đó có khoảng 70 DN ngoại. Đặc biệt là hầu hết các hãng sơn lớn của thế giới đều xuất hiện tại Việt Nam khiến cho các DN nội gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường ngày càng sôi động.

Trong 4 phân khúc của thị trường sơn hiện nay, phân khúc cao cấp gần như thuộc về khối ngoại với đặc điểm tăng tốc đầu tư mới hoặc xây dựng hệ thống phân phối. Phân khúc trung bình khá là sự tranh chấp thị phần giữa thương hiệu Trung Quốc và khối nội. Còn ở hai phân khúc trung bình thấp và các cơ sở sản xuất nhỏ là “sân chơi” của khối nội.

khối ngoại chiếm ưu thế

Đánh mất lợi thế

Cần nhìn nhận một thực tế là dù số DN sơn ngoại tuy không nhiều nhưng lại chiếm khoảng 65% thị phần tại Việt Nam, trong khi sơn nội chỉ chiếm 35%.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng phòng phát triển công nghiệp hóa chất (Cục Hóa chất), nhận định các DN Việt Nam trong ngành sơn đang nhanh chóng bị tụt hậu. Vì vậy, việc cập nhật các công nghệ mới, tìm những cơ hội phát triển kinh doanh mới là điều rất cần thiết trong lúc này.

Còn theo bà Nguyễn Thị Lạc Huyền, Chủ tịch VIPIA, ngành sơn – mực in có mức tăng trưởng bình quân hàng năm 10% về sản lượng, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam.

Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy là các DN ngoại ở ngành này có lợi thế về thương hiệu và chiến dịch truyền thông, đồng thời có thể bao phủ đủ chủng loại khiến cho các sản phẩm nội địa lép vế trên sân nhà.

Giới chuyên gia cho rằng các DN nội địa trong ngành sơn – mực in đang đánh mất lợi thế vốn có của mình để cạnh tranh với khối ngoại. Theo chia sẻ của bà Hương, ngoài những triển vọng tăng trưởng của ngành này, lợi thế còn nằm ở việc môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, cơ chế quản lý ngày càng minh bạch, các điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu…

Trong khi đó, các DN sơn nội địa mới chỉ khai thác ở phân khúc thấp mảng sơn trang trí nội, ngoại thất vốn có giá trị không cao, chủng loại sơn cũng hạn chế hơn so với hàng ngoại. Thị trường của các DN sơn nội địa chủ yếu là ở các tỉnh và phân phối thông qua kênh đại lý với mức chiết khấu cao.

Còn thị trường đô thị được xem như là miếng bánh béo bở mà khối nội khó chen chân. Đặc biệt là khối ngoại với tiềm lực tài chính mạnh dành kinh phí quảng cáo “khủng” trong các chiến dịch truyền thông quảng bá thương hiệu, nên khối nội không thể đua nổi.

Thậm chí, với nhiều dự án bất động sản hay nhiều ngành nghề công nghiệp cần đến nguồn cung cấp sơn, khối ngoại cũng chiếm phần, tận dụng mọi cơ hội.

Điều quan trọng là thị trường còn rất nhiều dư địa phát triển, đòi hỏi khối nội không thể đánh mất lợi thế mà cần củng cố lại hoạt động sản xuất kinh doanh để đón đầu tăng trưởng của thị trường trong thời gian tới. Các DN sơn – mực in nội địa cũng cần đầu tư công nghệ mới và tích cực mở rộng thị trường trong cuộc chiến thị phần này.

Nguồn: Thời báo kinh doanh