Các thương hiệu sơn lớn cần truyền thông sâu rộng hơn về việc phân biệt hàng thật, hàng nhái.
Chuyện nước sơn ở… “Chân trời mới”
Còn nhiều lý do khác tạo nên mối bất hòa triền miên giữa cư dân Khu đô thị New Horizon City (Chân trời mới) ở 87 Lĩnh Nam, Hà Nội với chủ đầu tư Vinaenco, nhưng việc mà cư dân cho là sự “bất tín” về màu sơn dự án có lẽ là nguyên cớ đầu tiên.
Chuyện là khi đọc tờ rơi quảng cáo, tham khảo nhà mẫu, các khách hàng và bây giờ là cư dân New Horizon City luôn được chiêm ngưỡng những tòa chung cư với màu sơn trắng muốt cùng các chi tiết kiến trúc viền đen sang trọng.
Dự án ở ngay kế bên đại đô thị Vinhomes Times City và trong group khách hàng thời kỳ đó, mọi người kháo nhau rằng, nếu đúng thiết kế này thì “tòa nhà mình đẹp kém gì Times, trong khi giá lại chỉ có 25 – 27 triệu đồng/m2”.
Nhưng khi nhận nhà, cư dân giật mình phát hiện ra các tòa chung cư được sơn một màu vàng nâu mà theo họ, “giống y xì mấy tòa tái định cư” và mâu thuẫn bắt đầu nổ ra. Chủ đầu tư thì một mực bảo rằng, quảng cáo chỉ là quảng cáo và trong hợp đồng không quy định màu sơn, đồng thời về thẩm mỹ thì màu này… rất đẹp, cư dân thì nghi vấn rằng chủ đầu tư đổi màu sơn chỉ vì… hợp mệnh với nữ Chủ tịch Hội đồng quản trị và hai bên đến tận bây giờ vẫn chưa thể “cơm lành, canh ngọt”.
Câu chuyện màu sơn ở “Chân trời mới” dường như là “cuộc chiến” nhân tâm giữa người bán và người mua bất động sản, còn theo kiến trúc sư Vũ Quốc An đến từ Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, câu nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” ngày nay đã không còn đúng.
Ông An cho rằng, xét về yếu tố kỹ thuật, nước sơn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, vừa mang lại tính thẩm mỹ, vẻ đẹp cho ngôi nhà, vừa là “áo giáp” bảo vệ công trình trước sự khắc nghiệt của thời tiết, cho dù chất lượng xây dựng công trình có tốt, nhưng nước sơn kém sẽ dẫn đến nhanh xuống cấp, dẫn đến các hiện tượng bạc màu, nấm mốc, thấm nước… công trình.
“Công trình nhìn xập xệ hay sang trọng, điều hút mắt đầu tiên là nước sơn”, đại diện Phúc Hà Group nhìn nhận và cho rằng, với các chủ đầu tư, nước sơn không phải là để che đi các khiếm khuyết mà là để tôn lên những đường nét kiến trúc nếu biết phối màu và sử dụng sơn chất lượng cao và chính vì vậy, “nó phải được lựa chọn kỹ để làm nổi bật lên mã của sản phẩm”.
Mỗi căn hộ có sang trọng, bắt mắt hơn, thu hút được sự quan tâm của khách hàng hay không chính là nhờ nước sơn, bởi trong tâm lý người tiêu dùng Việt Nam, ấn tượng ban đầu là rất quan trọng, nếu vừa lòng, họ có thể bỏ qua những tiểu tiết khác để đi đến quyết định cuối cùng.
Một chủ đầu tư khác, Khai Sơn Group vốn “chuyên trị” các sản phẩm biệt thự hoặc căn hộ hạng sang cho giới nhà giàu, vì vậy “mỗi hạng mục, trong đó có nước sơn không chỉ phải tuân thủ các chuẩn mực tốt nhất mà phải tạo nên các phong cách kiến trúc riêng mang tính cá nhân hóa”. Theo ông Trần Thái Sơn, Phó tổng giám đốc Khai Sơn Group, nước sơn không phải tấm áo manh quần mà giống hơn với lớp da của con người, sự tươi mới của nước sơn phản ánh “sức khỏe” và sinh khí của công trình nên rất cần được coi trọng.
Ai thắng, ai thua?
Là một trong những thương hiệu “quen mặt” trên thị trường sơn, đại diện hãng sơn Jotun cho rằng, cần phân biệt rõ sơn ngoại thất và sơn nội thất. Đối với sơn ngoại thất, các chủ đầu tư thường có xu hướng chọn các sản phẩm có độ bền bề mặt sơn, bền màu; còn sơn nội thất được quan tâm hơn đến các yếu tố độ mịn, độ bóng, sắc nét… và đặc biệt là không có mùi hắc, khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe người ở.
Sơn không phải là loại vật liệu chiếm tỷ trọng chi phí cao trong giá thành các sản phẩm bất động sản, nhưng lại có ảnh hưởng quan trọng đến thiện cảm của người mua nên hầu hết chủ đầu tư đều “không tiếc” để sử dụng các loại sơn tốt. Tuy nhiên, ở nhiều dự án, trình trạng sơn phồng rộp, thấm nước, bay màu và đặc biệt là mùi hắc khó chịu kéo dài sau khi người mua nhận nhà vào ở, nguyên nhân, theo nhiều người trong nghề là đã “dính phải sơn nhái”.
Theo các hợp đồng mua bán bất động sản phổ biến hiện nay, các cam kết về chủng loại sơn tường phổ biến là điều khoản “sử dụng sơn A, B, C hoặc tương đương” áp dụng đối với mặt tường bên trong căn hộ. Tuy nhiên, thế nào là “tương đương” thì không có điều khoản nào giải thích và thường các chủ đầu tư sẽ khoán cho các nhà thầu, thậm chí đến công đoạn sơn là đã đến tay nhà thầu B nhiều phẩy, nên việc sử dụng một chủng loại sơn “na ná” cam kết là rất dễ xảy ra.
Theo tiết lộ của một nhà thầu chuyên hoàn thiện công trình, vấn nạn trên thị trường sơn là tình trạng chạy đua chiết khấu, có những loại sơn chào nhà thầu này mức chiết khấu lên tới 50 – 55% và theo anh, “với mức này thì hầu hết đều là sơn nhái nhãn mác từ các cơ sở sản xuất thủ công trà trộn vào” và người dùng các loại sơn này có thể bị nhiễm chì và thủy ngân, là hai chất cực độc đối với sức khỏe con người và môi trường.
Cuối tuần qua, nhờ sự chỉ dẫn của đại diện một doanh nghiệp sơn, phóng viên Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc thâm nhập một số xưởng sản xuất “sơn cỏ” gần cầu Hậu Ái, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Đa số các xưởng này đều hoạt động chui, lán trại thô sơ đặt tại các khu vực khuất nẻo để tránh gây chú ý. Theo quan sát, dây chuyền sản xuất thường chỉ là một vài thùng phuy có mô-tơ làm tay trộn và các bao màu vứt khắp nơi. Tuy nhiên, công tác bảo vệ, cảnh giới ở đây rất nghiêm ngặt, chỉ cần dừng lại ngó nghiêng hoặc có biểu hiện quan sát, đưa điện thoại lên chụp là sẽ có người ra “thăm hỏi” và theo đến khi ra khỏi địa bàn.
Cũng theo kinh nghiệm của nhà thầu trên, Jotun, Mykolor, Dulux… là các thương hiệu bị nhái sản phẩm nhiều nhất. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, đại diện một số hãng sơn đều tỏ ra ngần ngại vì đây là vấn đề khá tế nhị, bởi trong khi cơ chế quản lý thị trường chưa chặt thì nói ra điều này rất có thể sẽ khiến doanh số sụt giảm khi người tiêu dùng “xé vé đồng hạng cả thật lẫn giả”.
Nguyên nhân khiến đa số chủng loại sơn dễ làm giả, theo chia sẻ của một trong các đại diện này, là bởi hiện chỉ có dòng sơn cao cấp “5 in 1” được làm bằng hộp sắt khó dập nổi, in ấn các họa tiết chuẩn, còn lại toàn làm bằng thùng nhựa nên nhái rất dễ. Hơn nữa, chủng loại sơn càng phổ biến, hút khách càng dễ bị nhái.
Theo thống kê của lãnh đạo một hãng sơn lớn khi chia sẻ với phóng viên, trên thị trường sơn hiện nay có đến 2.000 – 3.000 chủng loại sản phẩm và rất nhiều cái tên na ná nhau được quảng cáo khiến người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn. Trong số này, rất nhiều sản phẩm được người trong nghề định danh là “sơn cỏ”, tức là chỉ cần một máy pha màu và các thùng trộn, mua nguyên liệu trôi nổi về là có thể pha, đóng gói tất cả các màu sơn đem ra tiêu thụ.
Đơn cử, dòng “sơn sinh thái” chỉ được sản xuất bởi số ít hãng lớn như Jotun, Mykolor, Spec, Nippon… và các hãng này cũng chỉ sản xuất một lượng hữu hạn để cung cấp cho phân khúc khách hàng cao cấp vì giá cả đắt. Loại “sơn sinh thái” này chỉ chiếm khoảng 3 – 5% thị trường sơn, trong khi hiện nay la liệt các sản phẩm sơn sinh thái được quảng cáo và đưa ra thị trường.
Trong quá trình tìm hiểu, thậm chí phóng viên còn được chủ một doanh nghiệp “sơn cỏ” rủ tham gia đầu tư phát triển một nhãn hàng sơn. Theo đó, có thể chung nhau góp cổ phần khoảng 5 – 10 tỷ đồng vào một hãng sơn đã có thương hiệu và đăng ký một nhãn hàng riêng theo danh nghĩa của công ty này rồi tự xây dựng thị trường, tự hạch toán kinh doanh. Cách thứ hai là không cần góp cổ phần vào hãng sơn nào mà “tự chế” bằng cách, vỏ thùng mua một đơn vị khác, tem nhãn đơn vị khác, còn sơn sẽ tự mở xưởng gia công.
“Làm theo cách thứ hai ăn hơn vì cứ nhãn nào bán chạy là mình mua, nhưng cách thứ nhất sẽ an toàn hơn”, ông chủ xưởng tư vấn.
Nhưng dù theo cách nào trong hai cách trên thì sản phẩm từ các xưởng “sơn cỏ” này tuồn ra thị trường cũng rất lớn và theo đại diện của một hãng sơn ngoại, “cuộc chiến trên tường” đang có phần thắng nghiêng về “sơn cỏ” và danh sách người thua cuộc là các hãng sơn “chính quy” và cả những người hàng ngày đang sống trong những căn hộ được sơn phết bởi “những độc chất được pha màu”.
Nguồn: bds.tinnhanhchungkhoan.vn